Thursday 19 January 2017

ĐÁNH GIÁ NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG BARACK OBAMA (Jeffrey Frankel – Project Syndicate)




Jeffrey Frankel – Project Syndicate
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Posted on 20/01/2017 by The Observer

Bất kỳ đánh giá nào về nhiệm kỳ tổng thống Mỹ kéo dài tám năm của Barack Obama cũng nên bắt đầu từ đầu: lễ nhậm chức đầu tiên của ông, ngày 20 tháng 1 năm 2009. Nền kinh tế Mỹ khi đó đang rơi tự do: các thị trường tài chính đã đình trệ, GDP đang thu hẹp, và tỷ lệ việc làm giảm mạnh, với khoảng 800.000 việc làm bị mất đi mỗi tháng. Và hai cuộc chiến tranh thiếu tính toán và được tiến hành cẩu thả đang diễn ra ở nước ngoài.

Nói ngắn gọn, khi bước vào nhiệm kỳ, Obama phải đối mặt với những điều kiện bất lợi hơn so với bất cứ tổng thống sắp nhậm chức nào trong nhiều thập niên. Đúng là Franklin D. Roosevelt đã thừa hưởng cuộc Đại suy thoái và Abraham Lincoln đã nhậm chức khi nội chiến bùng nổ. Nhưng còn ai nữa bước vào Nhà Trắng mà phải đối mặt với cả một cuộc khủng hoảng kinh tế lẫn một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia?

Để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, Obama đưa ra một chương trình kích thích tài khóa và các chương trình giải cứu cho hệ thống tài chính và ngành công nghiệp xe hơi – các chính sách bổ sung và tăng cường cho chính sách nới lỏng tiền tệ tích cực và sáng tạo của Cục Dự trữ Liên bang. Đảng Cộng hòa gần như đồng lòng phản đối chương trình kích thích kinh tế. Và gần như tất cả mọi người đều chỉ trích các chương trình giải cứu, thúc giục Obama hoặc quốc hữu hóa các ngân hàng và các công ty ô tô hoặc để chúng sụp đổ.

Vượt qua mọi khó khăn, chính quyền Obama đã khiến con đường trung đạo có hiệu quả. Cuộc suy thoái chấm dứt vào tháng 6 năm 2009 – một thành tựu mà chính quyền đã không được ghi nhận đầy đủ công lao, bất chấp việc tình thế rõ ràng đã đảo ngược. Trong quý cuối cùng của năm 2008, sản lượng kinh tế giảm đáng ngạc nhiên ở mức 8,2% một năm. Nhưng gần như ngay sau khi chương trình kích thích được thực hiện, suy giảm GDP và tỷ lệ mất việc làm đã chậm lại đáng kể. Đến tháng 6 năm 2009 thì chạm đáy khi tăng trưởng GDP chuyển sang con số dương trong quý tiếp theo.

Tỷ lệ việc làm ở mức dương diễn ra vào đầu năm 2010. Tăng trưởng việc làm được duy trì trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ Obama, đặt ra những mức kỷ lục: nền kinh tế Mỹ đã có thêm hơn 15 triệu việc làm trong những năm còn lại của Obama. Đến nửa sau nhiệm kỳ thứ hai của Obama, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm một nửa, xuống dưới mức 5%; tiền lương tăng; và thu nhập gia đình trung vị thực cuối cùng cũng tăng, ở mức cao kỷ lục là 5,2% trong năm báo cáo gần đây nhất, với các nhóm có thu nhập thấp hơn được hưởng lợi từ những khoản gia tăng thu nhập thậm chí còn cao hơn nữa.

Đúng là quá trình phục hồi đã diễn ra lâu và chậm đến đáng thất vọng. Một lý do là mức độ nghiêm trọng và nguồn gốc tài chính của cuộc khủng hoảng 2007–08. Một lý do khác là những nỗ lực của Đảng Cộng hòa, vốn giành được một đa số trong Quốc hội vào năm 2010, nhằm ngăn chặn kích thích tài khóa hơn nữa, mặc dù chi tiêu cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế được thiết kế tốt chính là những gì mà nền kinh tế Mỹ cần trong các năm 2011–14. Đảng Cộng hòa có vẻ chỉ ủng hộ mở rộng tài khóa khi họ kiểm soát được Nhà Trắng.

Obama đã đạt được hai thành tựu lớn khác trước khi chiến lược gây bế tắc của Đảng Cộng hòa phát tác: đạo luật cải cách tài chính Dodd-Frank và Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA, còn gọi là “Obamacare”). Bất chấp những bước đi tiếp theo của Đảng Cộng hòa nhằm làm suy yếu Dodd-Frank và ACA, cả hai cải cách này đều đem lại nhiều lợi ích hơn đa số mọi người nhận ra. Đạo luật Dodd-Frank giúp giảm bớt khả năng lặp lại cuộc khủng hoảng tài chính 2007–08, và ACA đã giúp hơn 20 triệu người Mỹ được tiếp cận bảo hiểm y tế trong khi làm chậm gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe tổng thể.

Hai cuộc chiến mà Obama thừa hưởng là rất khó giải quyết. Nhưng ông đã đưa ra những quyết định khó khăn dẫn đến việc tiêu diệt kẻ xúi giục các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, Osama Bin Laden – một mục tiêu mà người tiền nhiệm của ông, George W. Bush, trong cơn háo hức xâm lược Iraq, đã không còn hứng thú theo đuổi.

Hơn nữa, trong năm 2015, ngay khi báo chí bắt đầu gọi ông là tổng thống vịt què, Obama đã đạt được một chuỗi thành công chính sách đối ngoại – cụ thể là một thỏa thuận hạt nhân vô cùng cần thiết với Iran, bình thường hóa quan hệ với Cuba, và thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông cũng giúp đảm bảo một thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là bằng cách lần đầu tiên đạt được một bước đột phá với Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sẽ tiếp quản vị trí tổng thống vào tháng 1 này, phải đối mặt với những điều kiện dễ dàng hơn nhiều so với Obama. Tuy nhiên, ông đã công bố những kế hoạch đảo ngược hầu hết, nếu không nói là tất cả, thành tựu của Obama. Ví dụ, TPP đã chết. Và bốn năm nữa có thể sẽ là quá muộn để có thể phục hồi nó, bởi đến khi đó các nước Đông Nam Á có thể đã bị lôi kéo vào một nhóm thương mại do Trung Quốc dẫn đầu.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Trump sẽ vấp phải trở ngại khi biến những luận điệu làm hài lòng đám đông của mình thành hiện thực. Ví dụ, trong khi bãi bỏ Obamacare, Đảng Cộng hòa rất có thể sẽ bị cản trở bởi việc không có một chính sách thay thế mà không lấy đi bảo hiểm y tế của 20 triệu người Mỹ, hay làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe. Do vậy, có thể cuối cùng họ sẽ chỉ tiến hành những thay đổi thực chất quy mô nhỏ đối với ACA rồi dán một cái tên mới lên đó – tương tự việc xây dựng một bức tường “đẹp đẽ” dài chỉ một phần tư dặm dọc biên giới Mexico nhằm làm nền chụp ảnh.

Tương tự, lời hứa bãi bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran của Trump cũng xa rời thực tế. Nếu không có sự tham gia của các đồng minh của Mỹ, áp đặt lại các biện pháp trừng phạt sẽ có rất ít tác động, ngoài việc thúc đẩy Iran tái khởi động và thậm chí còn đẩy mạnh chương trình hạt nhân của mình. Đó là điều mà Bắc Triều Tiên đã làm khi Bush, lên nắm quyền, về cơ bản đã xé bỏ “khung thỏa thuận” với đất nước này.

Với việc Trump sẵn sàng đưa ra những quyết định khinh suất như vậy, các cử tri Mỹ liệu có khiến ông chịu trách nhiệm? Bush đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong chính sách kinh tế và đối ngoại trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, bắt đầu từ những năm đầu, với những hệ quả khó lường đối với nền kinh tế, ngân sách liên bang, và an ninh quốc gia. Mặc dù tăng vọt trong nhiệm kỳ đầu, các con số thăm dò ủng hộ ông đã thấp hơn nhiều trước thời điểm ông rời nhiệm sở.

Ngược lại, sự ủng hộ dành cho Obama đã suy giảm trong phần lớn nhiệm kỳ tám năm của ông. Nhưng ông rời nhiệm sở với tỷ lệ ủng hộ lớn hơn đáng kể so với hầu hết các tổng thống trước – và cao hơn rất nhiều so với Trump. Công chúng Mỹ cuối cùng rồi sẽ nhận ra những thành công và thất bại của các nhà lãnh đạo của họ. Không may là đôi khi điều đó cần một khoảng thời gian.

-------------
Jeffrey Frankel, giáo sư Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, nguyên là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Ông điều hành Chương trình Tài chính Quốc tế và Kinh tế Vĩ mô tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, nơi ông là thành viên của Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh tế, cơ quan chính thức của Hoa Kỳ chuyên xác định thời điểm suy thoái và phục hồi của nền kinh tế.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Looking Back on Barack

Nguồn : Jeffrey Frankel, “Looking Back on Barack,” Project Syndicate, 13/01/2017.





No comments:

Post a Comment

View My Stats