Wednesday 11 October 2017

BẢN TIN NGÀY 11/10/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Tàu Mỹ áp sát đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Dẫn nguồn từ Reuters, cho biết, “khu trục hạm có phi đạn dẫn đường USS Chafee thực hiện hoạt động ‘tự do hàng hải’ thông thường thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa“. Mời đọc thêm: Tàu khu trục Mỹ lại tuần tra ở Biển Đông (TT). – Chiến hạm Mỹ thách thức Trung Quốc ở Hoàng Sa (TN). – Tàu chiến Mỹ vào gần quần đảo Hoàng Sa (TN).

Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Chafee của Mỹ. Ảnh: Reuters

Báo Thanh Niên có bài thứ ba, trong loạt bài của nhà báo Mai Thanh Hải: ‘Ong thợ’ Trường Sa: Kỳ tích ‘công sự tháp tăng’. Mời đọc lại: Bài 1: ‘Ong thợ’ Trường Sa: Dựng nhà giữ đảo  —  Bài 2: ‘Ong thợ’ Trường Sa: Vụ nổ lịch sử mở luồng Đá Lớn (TT).

RFI đặt câu hỏi: phải chăng Philippines “đảo trục” hướng về Mỹ? Tác giả cho rằng, những lý do liên quan đến sự đổi chiều này có thể “liên quan đến quan hệ quốc phòng và đặc biệt là trong tình hình quân đội Philippines phải đương đầu với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở thành phố Marawi phía nam”, hay về Biển Đông khi có thông tin rằng “có 11 tàu Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển của đảo Thị Tứ, nơi có cả trăm người Philippines cư ngụ”.


Người gốc Hoa làm ăn ở VN
Trang Nhà Quản Lý có bài: Bí ẩn đối tác kín tiếng người Hoa của xổ số Vietlott. Bài viết nói về ông Vincent Tan, tỷ phú gốc Hoa, ông chủ của Berjaya. Ông Vincent Tan là người đã từng được anh Ba X tạo điều kiện, giúp thắng thầu độc quyền kinh doanh xổ số điện toán với Vietlott trước đây.

Tập đoàn Berjaya đã đầu tư vào nhiều dự án lớn ở Việt Nam như: dự án khu đô thị mới ở Thạch Bàn – Hà Nội (dự án này Berjaya liên doanh với Công ty Cổ Phần Đầu tư và phát triển nhà số 12 Hà Nội), dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) ở Sài Gòn và dự án khu đô thị Đại học Quốc tế (VIUT) cũng ở Sài Gòn. Ngoài ra, Berjaya còn nắm giữ cổ phần tại công ty chứng khoán SaigonBank Berjaya.

Cũng chuyện doanh nhân gốc Hoa, trang Nhà Quản Lý đưa tin: Thâu tóm hàng ngàn ha đất ở Long An, tập đoàn của nữ đại gia gốc Hoa đang “toan tính” gì? Bài viết nói về bà Trương Mỹ Lan, chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã đầu tư vào 36 dự án, với diện tích 2.086 ha, ở Long An.

Về bà Trương Mỹ Lan, có lẽ mọi người còn nhớ vụ xử Dương Chí Dũng, lãnh đạo Vinalines, trong phiên tòa ngày 7/1/2014, ông Dũng khai đã giúp bà Trương Mỹ Lan chuyển 20 tỷ đồng hối lộ cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, để giúp Vạn Thịnh Phát chuyển đổi công năng cảng Saigon (cũng như ông Dũng khai đã đưa ông Ngọ 500.000 đô vì ông Ngọ giúp ông Dũng bỏ trốn).

Sau lời khai động trời của Dương Chí Dũng, vào ngày 18/2/2014, tướng Phạm Quý Ngọ lăn đùng ra chết “đúng quy trình”. Vẫn không rõ án tử hình của Dương Chí Dũng tuyên ngày 16/12/2013, đến nay đã gần 4 năm, khi nào thì án này được thi hành? Còn vụ bà Trương Mỹ Lan đưa hối lộ cho tướng Ngọ, vẫn không nghe nói bà bị gì sau đó.

Về tin đồn bà Trương Mỹ Lan là chị của bà Trương Mỹ Hoa, cựu Phó Chủ tịch nước, thật ra hai bà họ Trương này không có họ hàng gì, nhưng có thông tin bà Trương Mỹ Lan có quan hệ với ông em rể của bà Trương Mỹ Hoa. Trước đây có tin đồn rằng bà Lan từng là “ái thiếp” của anh Hai Nhựt, tức Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TPHCM.

Vụ Trịnh Xuân Thanh và quan hệ Việt Nam – EU 
VOA có bài: Châu Âu ‘ngầm’ gây áp lực lên Việt Nam? Vì “đảng ta luôn đúng”, không bao giờ sai, nên không không có chuyện đưa ra lời xin lỗi Chính phủ Đức, la nước dẫn đầu trong Liên minh châu Âu, trong vụ bắt cóc Trịnh xuân Thanh.

VOA đưa tin: “Các phái đoàn ngoại giao của nhiều nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) như Pháp, Thụy Điển, Italia, hay Bỉ, mới đây đã đồng loạt đăng lại một tuyên bố từ trang Facebook của cơ quan đại diện ngoại giao của Đức ở Hà Nội, trong đó Berlin nêu ra một loạt các yêu cầu sau vụ bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh như ‘cam kết không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai’, nhưng không được Việt Nam đáp ứng, buộc chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel ‘tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam’ cũng như ‘trục xuất thêm’ một nhà ngoại giao”.

Bà Victoria Rhodin Sandström từ Đại sứ quán Thụy Điển cho biết: “Thụy Điển là một đối tác và bạn hữu truyền thống vững mạnh của Việt Nam, và điều quan trọng đối với chúng tôi là khuyến khích chính phủ Việt Nam tìm ra một giải pháp liên quan tới các vấn đề song phương giữa Đức và Việt Nam”.

Mới đây, ông Wolfgang Manig, Phó Đại sứ, kiêm Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, nhấn mạnh: “Đối mặt với một cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng xuất phát từ việc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế, và vì thế, vi phạm các giá trị cơ bản của châu Âu”. Tuy nhiên, câu nói trên của ông Wolfgang Manig đã bị báo chí Việt Nam đục bỏ.

Nhân quyền ở Việt Nam
Về cái chết của Đỗ Đăng Dư, LS Hà Huy Sơn cho biết, ngày 09/10/2017, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Vũ Văn Bình, tội “cố ý gây thương tích” dẫn đến cái chết của Đỗ Đăng Dư, LS Sơn cho biết, mặc dù bị cáo Bình khai không nhớ đánh Dư vào đâu ở đầu, nhưng Bình cứ khăng khăng nhận tội đã đánh chết Dư. Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm: 18 năm tù giam cho Bình và bồi thường cho gia đình Đỗ Đăng Dư 140 triệu đồng.

LS Ngô Ngọc Trai, đưa tin: Tòa án đã không chấp nhận ý kiến của các luật sư, gồm: Chuyển tội danh sang giết người; Hủy án yêu cầu điều tra lại; Buộc cơ quan giam giữ có trách nhiệm liên đới bồi thường vì đã có lỗi trong việc quản lý giám sát trại giam để xảy ra đánh chết người; Khởi tố vụ án ra quyết định trái pháp luật đối với hành vi bắt giam giữ Đỗ Đăng Dư… Vụ án kéo dài hơn 2 năm, tòa án đã vi phạm quy định pháp luật về thời gian xét xử, việc giải quyết vụ án không bảo đảm công lý.

Vụ nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị an ninh bắt cóc hôm 15/5 khi cùng đi trên xe với linh mục Nguyễn Đình Thục, LS Lê Văn Luân, cho biết về tình trạng của Bình như sau, “hiện sức khoẻ tốt, ăn uống bình thường và có lên cân“. Anh Bình nhắn người nhà gửi đồ ăn và sách về thiên văn, khoa học, lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.


Vụ trình diễn thời trang “phỉ báng tôn giáo”
Báo Phụ Nữ có bài: Trình diễn thời trang nhạo báng tôn giáo: Sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá –Thể thao Hà Nội, cho biết, lãnh đạo sở sẽ có hình thức “xử lý thoả đáng và nghiêm khắc“. Nhưng “Theo đúng quy trình, chúng tôi phải chờ kết quả từ phía quận Hoàn Kiếm để có kết luận cụ thể từ đó mới giải quyết được. Trước mắt chúng tôi chưa thể trả lời điều gì cả vì cũng chưa biết kết quả và thời gian từ phía quận”.

VOA đưa tin: Người Công giáo phẫn nộ về quán bar Hà Nội báng bổ Thánh giá. Người Công giáo “tố cáo quán bar này đã thực hiện buổi biểu diễn ‘xúc phạm Thánh giá và tôn giáo’ của họ”. Tin cho biết, “linh mục Nam Phong và các nhà hoạt động nêu nghi vấn: phải chăng có một thế lực nào đó chống lưng cho màn trình diễn mang tính ‘khiêu khích và nhục mạ trắng trợn đến những người tin Chúa?”

Facebooker Phạm Lê vương Các có bài: Đâu là ranh giới giữa tự do biểu đạt và sự phỉ báng tôn giáo? Lấy dẫn chứng vụ việc tương tự đã có trên thế giới, theo ông Các, cần phải xác định được rõ đây là hành vi “phỉ báng tôn giáo” hay là quyền “tự do biểu đạt”, mà ở đây là việc trình diễn thời trang có biểu tượng thánh giá với việc ăn mặc được cho là “phản cảm”.

Ông Các nêu quan điểm, ông không ủng hộ Sở Văn Hóa-Thông Tin “xử lý” hành vi này, bởi khi lên án chức năng “thẩm định tư tưởng và cấp phép hoạt động nghệ thuật” là trái với tiêu chuẩn của quyền tự do, thì cũng không nên áp dụng “tiêu chuẩn kép” là yêu cầu họ tiếp tục dùng chức năng “thẩm định và cấp phép” để bảo vệ quyền tự do. Ông Các ủng hộ các tổ chức Công giáo khởi kiện vụ này ra Tòa án dân sự, nếu cho rằng sự kiện biểu diễn này đã “xúc phạm niềm tin tôn giáo hay đã phỉ báng vào Thiên Chúa“.

RFA có bài, với cái tựa đặt câu hỏi lãng xẹt: Biểu diễn thời trang nhạo báng tôn giáo: Nên hay Không? Nhạo báng bất kỳ cá nhân hay đoàn thể, tổ chức nào, cũng đều không nên, không riêng gì nhạo báng tôn giáo. Liệu có cần đặt câu hỏi như thế không?

Hội nghị Trung ương 6
BBC có bài: Hội nghị TW 6 ‘sắp đặt lại hệ thống chính trị’. Theo TS Hà Hoàng Hợp, ngân sách cạn kiệt buộc đảng CSVN phải tổ chức sắp xếp lại nhân sự và bộ máy theo hướng tin gọn hơn, kể cả ngành an ninh lẫn quốc phòng.

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có bài: Ông Trọng đốt lò để giành thế “độc tôn”. Tác giả cho rằng công cuộc “đốt lò” của cụ Tổng, nhằm mục đích phá bỏ thế cân bằng quyền lực trong “tứ trụ”, và ông Trọng vận dụng việc “đốt lò” để quy quyền lực về một mối.

Đảng CSVN không thể chống tham nhũng, bởi tham nhũng là “đặc sản” của đảng, vì nghị quyết của đảng đã cho phép “đảng viên được phép làm kinh tế tư nhân không giới hạn qui mô”. Ông Tuấn viết: “Tham nhũng chỉ hoành hành trong giới có tiền và có quyền. Truy tìm đến nơi đến chốn thì nguyên nhân của tham nhũng là nghị quyết của đảng về ‘đảng viên được quyền làm giàu’. Tức nguyên nhân của nạn tham nhũng là do đảng. Trách nhiệm vì vậy là trách nhiệm tập thể“.

Về chuyện phe “Bắc kỳ biết lý luận” độc tôn quyền lực, trang Tiếng Dân có bài đề cương luận án tiến sỹ – Đề tài: Thủ pháp từ ngữ trong các văn kiện TBT Nguyễn Phú Trọng, của nghiên cứu sinh Nguyễn CB.


Ai quản lý nổi tài sản và quyết tâm của Đảng?
Báo Nhà Quản Lý có bài: Quản lý tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam. Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, “mọi tài sản tại cơ quan Đảng đều phải được giao cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Đảng quản lý, sử dụng”.

Đảng đã ngồi xổm trên luật pháp rồi thì người nào có đủ sức “giám sát, kiểm tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật”? Còn “quy định của Đảng” thì để cho đảng làm, cớ sao dân lại tốn tiền thuế nuôi mấy ông đảng viên ở Bộ Tài chính, ban hành cái nghị định mà không người dân thường nào được quyền có ý kiến?

Báo Lao Động có bài: “Không một tổ chức nào có thể thay thế được vai trò của công đoàn” độc lập. Phải thêm cụm từ đó vào vì báo Lao Động đục bỏ câu nói đầy đủ của bà Hoàng Thị Khánh, cựu Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn LĐVN.

Theo bà Khánh, thì: “Tôi ủng hộ chủ trương sắp xếp lại bộ máy Đảng, bộ máy Nhà nước, bộ máy các đoàn thể chính trị – xã hội để tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ nhân dân tốt hơn … Cho nên, với 4 tổ chức chính trị – xã hội chính mang tính các giai cấp và giới gồm: Công đoàn (CĐ), Thanh niên, Phụ nữ và Nông dân thì nên để đứng độc lập vì những đặc thù riêng của nó.”

Số phận ông Nguyễn Xuân Anh?
Báo VNN có bài: Xem xét chức vụ Chủ tịch HĐND Đà Nẵng của ông Nguyễn Xuân Anh. Vẫn phải chờ “ý kiến chỉ đạo” của Thành ủy mới quyết được chức vụ của ông Xuân Anh trong HĐND TP Đà Nẵng. Vì ông Xuân Anh hiện vẫn là đảng viên, nếu đảng vẫn giữ ông làm chủ tịch HĐND thì ông phải ngồi lại ghế đó thôi. Được biết, ông Nguyễn Xuân Anh giữ chức Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, thay ông Trần Thọ nghỉ hưu hồi tháng 6/2016.

Ông Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: VNN


Phiên tòa xét xử cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga
Báo Tiền Phong có bài: Xét xử Châu Thị Thu Nga: Khai đến tiền ‘chạy’ là mất tín hiệu. Theo tường thuật của báo Tiền Phong, đại diện VKS xác định bị cáo Nga đã đưa cho ông Lê Hồng Cương, cựu Phó TGĐ Housing Group khoảng 12 tỷ đồng để “chạy” dự án. Tuy nhiên, khi luật sư phát biểu về việc này, “tín hiệu từ phòng xử tới phòng báo chí đột nhiên bị ngắt”.
Trước đó, khi bà Châu Thị Thu Nga xin khai về khoản tiền 30 tỷ đồng “chạy” ghế đại biểu Quốc hội, “tín hiệu tới phòng báo chí cũng bị mất, chỉ còn hình ảnh, không âm thanh”. VOA có bài: Phiên xử cựu Đại biểu Quốc hội: Tín hiệu âm thanh mất ‘đúng quy trình’.

Báo VietNamNet có bài: Các chủ nợ của cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga xúm vào đòi tiền. Đó là Ngân hàng VPBank, Công ty HAIC (bên liên danh với Housing Group), Công ty Hải Âu.

Một bị hại cho biết, họ ký hợp đồng với Housing Group, là một pháp nhân chứ không ký riêng với bà Nga, và do Housing Group vẫn đang tồn tại, nên việc VKS đề nghị bà Nga bồi thường dân sự “là sự nhầm lẫn“. Người này nói: “Bản thân bị cáo Nga làm gì có tiền mà trả cho chúng tôi, VKS đề nghị bà Nga phải trả lại tiền cho chúng tôi, như thế là không bảo vệ quyền lợi của chúng tôi”.


Cập nhật tin Phó Chánh thanh tra cắn dân
Vụ ông Nguyễn Tấn Tùng, Phó chánh Thanh tra thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, đã cắn dân hôm 9/7, báo VietNamNet có bài: Phó Chánh thanh tra bị cảnh cáo Đảng vì…cắn người. Ông Tùng chỉ bị Ủy ban Kiểm tra Thị ủy thị xã Ngã Năm kỷ luật bằng cách cảnh cáo về mặt Đảng. Đảng viên sướng thật, vừa có cơ hội làm quan, lại được cắn người … như chó, mà chỉ bị cảnh cáo đảng!

Được biết, ngày 9/7, ông Nguyễn Văn Khanh, 41 tuổi, đưa người thân từ Cần Thơ về thị xã Ngã Năm, đậu xe ven đường. Khi lấy xe, một thanh niên nói ông Khanh đậu xe chiếm hết lối đi, nên xảy ra cự cãi. Lời qua tiếng lại, hai bên lao vào đánh nhau, ông Tùng và một người khác xuất hiện, không can ngăn, còn tham gia đánh ông Khanh. Trong lúc ẩu đả, vị phó chánh thanh tra cắn vào chân nạn nhân, chảy máu.

Đơn thưa kiện của gia đình anh Khanh. Nguồn: báo NQL


Vụ Phó Chủ tịch xã bị bắn chết
Ông Đinh Tiến Sang, 48 tuổi, Phó Chủ tịch HĐND xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, Lâm Đồng, bị bắn chết ngày 7/10. Báo chí trong nước đưa tin, cuối tuần qua, ông Sang tranh thủ ngày nghỉ, đi vào rẫy cà phê của gia đình chăm sóc cà phê. Tại đây ông Sang gặp bà Trịnh Thị Hương, là vợ cũ của Bùi Văn Dũng. Trong lúc hai người tâm sự thì ông Dũng xuất hiện, bắn ông Sang chết tại chỗ. Bà Hương nhờ bỏ chạy nên thoát nạn.


Luật chồng luật
Báo Infonet có bài: Doanh nghiệp lo ngại sự chồng chéo của Luật An ninh mạng với Luật ATTT mạng năm 2015. Việt Nam được lọt vào top 10 danh sách tấn công mạng nhiều nhất thế giới, đâu phải chuyện đùa. Tuy nhiên, sự chồng chéo, mập mờ giữa Luật an ninh mạng với Luật an toàn thông tin lại xuất phát từ … Chính phủ.

Theo báo Sputnik của đồng chí “lái súng” Putin, đưa tin: Việt Nam đứng sau cuộc tấn công mạng toàn cầu? Reuters dần nguồn báo cáo của công ty an ninh mạng FireEye nói rằng: “Các hacker có lẽ làm việc cho Chính phủ Việt Nam đã tổ chức cuộc tấn công vào máy tính của các công ty đa quốc gia đang hoạt động trên lãnh thổ đất nước“.

Nguồn tin còn cho biết, các hacker đó “đã đứng sau cuộc tấn công vào máy tính của các nhà báo, các blogger, các nhà hoạt động và thành viên đối lập Việt Nam”. Chính quyền Việt Nam Không thể xài tiêu chuẩn kép, vừa muốn mọi người tuân theo luật, lại vừa muốn sử dụng luật rừng là đi hack người khác!

Vụ phá rừng ở An Lão, Bình Định

Đồ họa: Báo Lao Động

Sau khi thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Văn Thiệt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư – kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố thêm 5 bị can vụ phá trắng 61ha rừng ở Bình Định. Còn các lãnh đạo đảng liên quan tới vụ phá rừng này chỉ bị kỷ luật bằng hình thức kiểm điểm, khiển trách, cảnh cáo…


Về cô giáo thủ khoa chăn lợn
Báo Tuổi Trẻ: Thủ khoa ‘chăn lợn’: Sao cứ phải là biên chế? Về chuyện cô giáo Bùi Thị Hà ở Hà Giang, là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc, nhưng hơn một năm qua không tìm được việc làm, ở nhà phụ mẹ nuôi lợn, TS. Lê Thống Nhất, TGĐ Công ty CP Trường học lớn Việt Nam, xác nhận, trường của thầy Nhất và nhiều trường khác đã mời cô Hà về cộng tác, nhưng cô dứt khoát từ chối vì muốn tìm việc biên chế gần nhà, tiện chăm sóc mẹ.

Nhà báo Hoàng Linh viết: “Một điều đáng báo động nữa là nhiều người trẻ từ chối những cơ hội khác để chui bằng được vô biên chế và ‘ngủ đông’ trong đó. Điều vừa đáng thương vừa đáng báo động là cô thủ khoa chăn lợn đã có vài doanh nghiệp mời làm việc, vài trường mời về dạy kể cả trường tư nhân BigSchool. Nhưng cô ta từ chối, nhất trí phải về quê dạy vì ước mơ làm cô giáo, và để vô cái biên chế nhà nước cho an phận. Đó không phải là một ước mơ lành mạnh của tuổi trẻ mà là tàn tích của chủ nghĩa bao cấp“.




Ô nhiễm môi trường
Vụ Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc Quảng Ngãi, ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, gây ô nhiễm, báo Tuổi Trẻ đưa tin: ‘Đóng cửa’ báo chí dự họp bàn đối thoại xử lý nhà máy gây ô nhiễm.

Nhận được tin UBND huyện Bình Sơn tổ chức họp, giữa chính quyền huyện Bình Sơn, Sở TNMT, và các cơ quan ban ngành khác, với đại diện Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi, bàn phương án đối thoại với dân sau hơn hai tháng người dân chặn nhà máy, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi) đồng ý để phóng viên tham dự cuộc họp, nhưng UBND huyện này lại từ chối, không cho phóng viên dự họp.


Vụ ám sát Kim Kong Nam
VOA đưa tin: Đoàn Thị Hương tấn công Kim Jong Nam một cách ‘hung hãn’? Ông Wan Azirul, cảnh sát điều tra hình sự của phi trường nói: “Khi bà Hương lặp lại cuộc tấn công tương tự với ông Kim Jong Nam, thì động tác của bà tỏ ra ‘khá mạnh bạo và giống với một cuộc tấn công hơn’.”

BBC đưa tin: Lượng VX trên mặt ông Kim Jong-nam ‘quá liều gây tử vong’. Tại phiên tòa, chuyên gia về vũ khí hóa học Raja Subramaniam, cho biết: “Dựa trên ước tính về nồng độ, lượng chất độc [được tìm thấy trên cơ thể ông Kim Jong-nam] bằng khoảng 1,4 lần liều gây tử vong”.


Bầu cử lãnh đạo UNESCO
BBC có bài: Bầu cử lãnh đạo UNESCO: Ứng cử viên VN ít phiếu nhất. Với 7 ứng viên ứng tuyển vào chức lãnh đạo mới của UNESCO, từ các nước Ai Cập, Azerbaijan, Libăng, Pháp, Qatar, Trung Quốc và Việt Nam, “Đại sứ Phạm Sanh Châu của Việt Nam chỉ giành được 2 phiếu bầu, thấp nhất cùng hạng với Azerbaijan”.

Được biết, “UNESCO là một tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc, vốn được biết đến với việc cấp chứng chỉ di sản thế giới cho các địa danh nổi tiếng”.

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
Giám sát việc thi hành lệnh cấm vận, LHQ cấm cảng 4 tàu chở hàng cấm đến Triều Tiên, theo VOA. Ông Hugh Griffiths, người đứng đầu ủy ban LHQ giám sát việc thi hành lệnh cấm vận đối với Bình Nhưỡng, cho biết: “Cấm bốn tàu vận chuyển hàng cấm đến Triều Tiên, không được ghé vào bất cứ cảng nào trên thế giới”. RFI: Bắc Triều Tiên: LHQ cấm 4 tàu cập bến cảng trên thế giới.

BBC có bài phân tích về mối Quan hệ Trung – Triều có vẻ ngày càng lạnh nhạt. Tác giả cho biết: “Nhiều nguồn tin không chính thức cho rằng việc Trung Quốc không thể hỗ trợ Kim hơn nữa làm dấy lên câu hỏi về cam kết của phía Trung Quốc trong Hiệp ước Hữu nghị Trung Quốc – Triều Tiên, nền tảng của mối quan hệ giữa hai nước”.

VOA có bài: TT Trump thăm khu phi quân sự giữa Nam-Bắc Triều tiên? Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc: “Tòa Bạch Ốc vào cuối tháng 9 đã phái một toán tiền trạm để thăm dò các địa điểm có thể được chọn cho ‘hoạt động đặc biệt’ của ông Trump tại Hàn Quốc”.

RFI đưa tin: Tin tặc Bắc Triều Tiên đánh cắp kế hoạch tác chiến Mỹ-Hàn. Theo báo Chosun Ilbo của Nam Hàn, “dân biểu Rhee Cheol Hee tiết lộ rằng tin tặc Bắc Triều Tiên đã xâm nhập được vào mạng nội bộ của quân đội vào tháng 9/2016 và trộm được 235 giga dữ liệu nhạy cảm. Trong số đó có Kế hoạch Hành động 5015, là kế hoạch mới nhất của Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh với Bắc Triều Tiên, chủ yếu là các dự án tấn công để trừ khử Kim Jong Un”.

Báo Người Việt đưa tin: Nam Hàn chế tạo bom ‘cúp điện’ để chống Bắc Hàn. Được biết, “bom graphite còn được gọi là ‘blackout bomb’, tức bom cúp điện, có thể được thả từ máy bay xuống các nhà máy phát điện. Một hình thức của bom chùm, chúng tách ra nhiều phần khi được thả xuống mục tiêu, kế đó chúng nhả ra những sợi than chì carbon làm các đường dây điện bị chạm mạch và kết quả là hệ thống điện bị tắt”.

Báo Người Việt có bài: Tướng Mỹ Mark Milley: ‘Không có giải pháp an toàn với Bắc Hàn’. Tham Mưu Trưởng Lục Quân Mỹ, Tướng Mark Milley, hôm Thứ Hai nói rõ rằng “Một cuộc chiến toàn diện trên Bán Đảo Triều Tiên sẽ rất kinh hoàng. Không có giải pháp nào tốt đẹp, dễ dàng, không rủi ro”.

RFA đưa tin: Bắc Hàn sở hữu tên lửa có thể bắn tới lãnh thổ Hoa KỳLãnh đạo Bắc Hàn cho phái đoàn dân cử Liên Bang Nga biết rằng đang sở hữu tên lửa có tầm hoạt động tới 3.000 cây số, tức có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ“.

Tin nước Mỹ
Do hoang phí tiền công quỹ, nhiều quan chức Mỹ bị điều tra về phí di chuyển tốn kém. RFI cho biết: “Hôm nay 10/10/2017, Ủy ban giám sát Hạ Viện Hoa Kỳ công bố các chi tiết về phí tổn đi công tác của khoảng 20 lãnh đạo cơ quan chính phủ”.  “ông Rick Perry, bộ trưởng Năng Lượng; ông Ryan Zinke, bộ trưởng Nội Vụ; và ông Scott Pruitt, người lãnh đạo Cơ quan bảo vệ môi trường, đang bị điều tra hành chính về những vụ di chuyển tốn kém”.

Về Thị trưởng gốc Việt Tạ Đức Trí, VOA có bài: Người Thị Trưởng ‘vác tù và’ ở Westminster. Ông Trí cho biết: “Nếu chúng ta qua Mỹ, cố gắng học để đạt được bằng cấp, rồi sau đó đi làm và cố gắng, chắc chắn chúng ta sẽ có cuộc sống ổn định, sung túc. Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở bản thân, theo thiển ý của tôi, tôi cảm thấy vẫn còn thiếu một cái gì đó. Để thành công cho chính mình, nếu cố gắng, chúng ta sẽ làm được. Nhưng nếu chúng ta cố gắng để phục vụ người khác, chúng ta nghĩ đến người khác, điều đó theo thiển ý tôi, quan trọng và quý vô cùng”.

Cháy rừng đã trở nên báo động ở California. Theo bản đồ cháy rừng, đã có 33 điểm cháy trên toàn tiểu bang California. VOA đưa tin: Cháy rừng ở bắc California, ít nhất 10 người chết. Tin cho biết, cháy rừng đang diễn ra ở bắc California làm ít nhất 10 người chết tại nơi làm rượu vang nổi tiếng của Hoa Kỳ, Napa Valley. Các quận Napa, Sonoma và Yuba, được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

CNN cập nhật tin, hiện có ít nhất 15 người chết do các vụ cháy rừng ở Bắc Cali.

Bản đồ cháy rừng ở California. Ảnh Google map

VOA có bài về lời qua tiếng lại giữa “các” đệ nhất phu nhân: Tổng thống Trump có mấy đệ nhất phu nhân? Bà vợ đầu Ivana và bà vợ hiện tại của ông Trump, bà Melania, đã công khai “lời qua tiếng lại”, khi bà Ivana nói: “Cơ bản, tôi là vợ cả của Trump, đúng không. Tôi mới chính là đệ nhất phu nhân“.

Khủng hoảng Rohingya
BBC có bài tìm hiểu phản ứng của người dân trước tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở bang Rakhine: Myanmar ‘bất mãn’ quốc tế vì vụ Rohingya. Tác giả bài viết kể: “Shwe Toontay Sayar Taw từng là một trong những nhà sư lãnh đạo cuộc cách mạng màu vàng nghệ. Tôi hỏi ông rằng với nền dân chủ non trẻ của Myanmar, không phải nước này có trách nhiệm coi tất cả các cộng đồng, kể cả người Rohingya, là bình đẳng?”

Vị sư trả lời: “Với sự dân chủ, tất cả là bình đẳng nhưng không phải với những kẻ khủng bố. Nếu chúng chọn con đường khủng bố [thì] tất cả mọi người trên thế giới cần hợp nhất để hủy diệt khủng bố. Nếu không chúng sẽ hủy hoại thế hệ của chúng ta”.

RFI đưa tin, Rohyngya: Liên Hiệp Quốc tiêm ngừa dịch tả trong các trại tị nạn. Tin cho biết, “UNICEF và Tổ Chức Y Tế Thế Giới cùng với chính phủ Bangladesh hợp tác tiêm ngừa cho hơn nửa triệu người Rohingya Miến Điện đang tạm trú trong các trại tị nạn, với 900.000 liều thuốc được dự trù”.


Tin châu Á
Về cuộc bầu cử tự do như đã hứa từ cuộc đảo chính quân sự tháng 5 năm 2014, Thái Lan ấn định ngày bầu cử vào tháng 11/2018, theo VOA. Đó là tuyên bố của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, hôm 10/10. Được biết, chính quyền quân sự Thái Lan đã từng tuyên bố ngày bầu cử ít nhất hai lần trong quá khứ, nhưng sau đó đã rút lại. RFA có bài: Thái Lan sẽ bầu cử vào tháng 11 năm 2018.

BBC có bài: Đài Loan ‘tăng cường quân sự vì tự do’. Nhân Quốc khánh Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan), Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố: “Trước thách thức hiện đại hóa, chúng ta cần đảm bảo rằng quân đội của thế hệ mới tập trung vào chất lượng, không phải số lượng”. RFA: Đài Loan quyết tâm bảo vệ nền tự do và hệ thống dân chủ.

Chuyện ở Nhật, RFI đưa tin: Nhật Bản: Abe cho bầu Quốc Hội sớm nhằm sửa đổi Hiến pháp “chủ hòa”. Theo nhiều nhà quan sát, “khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên đặt Tokyo trong thế kẹt. Nếu xung đột bùng phát, Nhật Bản là đối tượng tấn công hàng đầu của Bình Nhưỡng, trong lúc một mặt, lá chắn quân sự của đồng minh Hoa Kỳ không còn là bảo đảm tuyệt đối, và mặt khác, Hiến pháp chủ hòa không cho phép Tokyo phát triển các phương tiện riêng cho phép chủ động đáp trả đe dọa từ phía tây”.


Tình hình châu Âu
RFI đưa tin: Công chức Pháp đình công và biểu tình chống chính phủ. RFI cho biết, “hơn 5 triệu công chức Pháp được các nghiệp đoàn kêu gọi xuống đường để nói ‘không’ với chính sách tăng thu giảm chi của chính phủ tổng thống Emmanuel Macron”.

RFI cho biết, Bể chứa phóng xạ tại Pháp và Bỉ có nguy cơ bị tấn công. Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, “cảnh báo tình trạng nhiều bể chứa các chất phóng xạ đã qua sử dụng, tại Pháp và Bỉ, được bảo vệ ‘rất kém’ và cần hàng chục tỉ đô la để bảo vệ các địa điểm đó”.



Trung Quốc
VOA có bài: Trung Quốc có thể xem xét lập thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo cho Quốc hội: “Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự phụ trội ở các nước có quan hệ thân thiện lâu dài và lợi ích chiến lược tương tự như Pakistan, và trong đó có tiền lệ để đóng quân ở nước ngoài”.

---------------------------------------------------

Bài Mới Nhất
11/10/2017
11/10/2017
11/10/2017
11/10/2017
11/10/2017
11/10/2017
10/10/2017
10/10/2017
10/10/2017
10/10/2017










No comments:

Post a Comment

View My Stats