Thursday 12 October 2017

VIỆT NAM TRƯỚC NGUY CƠ NỀN KINH TẾ BỊ CÔ LẬP HÓA (Phạm Nam Kim)




Phạm Nam Kim 
09/10/2017

LTS.  Do chính sách của chính quyền Trump, hiệp định TPP đã bị xoá sổ. Do những sai lầm về đối nội (không tôn trọng nhân quyền) và đối ngoại của chính mình (vụ Trịnh Xuân Thanh), chính quyền Hà Nội đang đẩy lùi ngày ký kết hiệp ước thương mại tự do EVFTA không biết tới bao giờ. Trong khi đó, vòng vây của Trung Quốc cứ mỗi ngày một siết chặt. Chính sách khôn ngoan nhất để thoát khỏi nguy cơ bị cô lập hoá ấy là kiên quyết chỉnh sửa những sai lầm nói trên, vừa huy động được những nội lực của dân tộc, vừa giữ được liên hệ tốt đẹp với một khối hiện giàu mạnh nhất thế giới, "một phần hoá giải những khó khăn do Mỹ gây ra, phần khác thăng bằng hoá quan hệ kinh tế với Trung Quốc".

Nhưng liệu những người cầm quyền ở Ba Đình có biết lắng nghe tiếng gọi của lương tri, và có đủ dũng cảm để tiến hành những chỉnh cải cách ấy ? Nếu khó quá thì đây, một "kế hoạch B"chủ yếu chỉ bàn về chính sách kinh tế đối ngoại ! Một phương án bất đắc dĩ trước nguy cơ đổ vỡ của hiệp ước EVFTA...

Nguy cơ cô lập hoá nền kinh tế

Từ thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã khá thành công trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế với quan hệ đầu tư, thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành thành viên của WTO và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do FTA với tư cách song phương hay thông qua ASEAN.

Nhưng từ đầu năm những diễn biến tiêu cực của nền chính trị thế giới đã đưa ra những thách thức mới và đe doạ chính sách hội nhập của Việt Nam.

Thứ nhất, từ mấy năm nay, Việt Nam đặt kỳ vọng hội nhập và phát triển kinh tế vào hiệp định TPP, thật vậy với hiệp định này Việt Nam sẽ tiếp cận một thị trường có quy mô bậc nhất thế giới và giàu nhất thế giới, các chuyên gia phân tích kinh tế đều đưa ra những mức gia tăng GDP trên 10% cho 10 năm sắp tới. Thế nhưng giấc mơ này đã tan biến, ngay sau khi đắc cử Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định. Hơn thế nữa với với phong trào dân tuý do ông chủ trương, ông Trump còn đang tính tăng đồng loạt thuế nhập khẩu, dự kiến này sẽ ảnh hưởng mạnh đến những cơ xưởng lắp ráp ở Việt Nam để rồi xuất khẩu qua Mỹ. Trực tiếp hơn chính quyền Trump cũng tính hạn chế xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ nếu ngược lại không có trao đổi tương xứng trong mậu dịch. TPP không có Mỹ nếu có được tiếp tục thực hiện cũng kém đi rất nhiều phần hấp dẫn, vả lại các nước còn lại phần đông đều đã ký song phương FTA với Việt Nam (hoặc trong khuôn khổ ASEAN).

Thứ nhì, từ khi Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế bậc nhất thế giới, Bắc Kinh nuôi dưỡng ý chí thiết lập lại một đế chế đi từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương như thời Thành Cát Tư Hãn. Nhưng thay vì dùng đòn quân sự, Trung Quốc dùng trước tiên đòn kinh tế, khi kiểm soát được cái hầu bao của một quốc gia thì sự kiểm soát chính trị chỉ là vấn đề thời gian. Chiến thuật này đã được thực thi từ nhiều năm qua tại những vùng Đông Nam Á, vùng lân cận với Trung Quốc và ở châu Phi để kiểm soát nguồn nguyên vật liệu. Mới đây, chiến thuật này được cài đặt ở Âu Châu thông qua việc mua lại, sát nhập các doanh nghiệp đầu tàu về khoa học và công nghệ. Và như vậy nắm đằng chuôi luôn thế mạnh kinh tế của các quốc gia này.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã từng bước chi phối nền kinh tế quốc gia, không những trên lãnh vực mậu dịch và ngay những ngành công nghệ Việt Nam cũng chỉ có thể hoạt động nhờ vào nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc. Còn về các dự án lớn thì phần đông rơi vào tay Trung Quốc với nghệ thuật ‘bôi trơn’ gần như chính thức, chưa kể đến sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển Hạ tầng cơ sở do Trung Quốc thành lập. Muốn hoàn toàn chi phối kinh tế Việt Nam Trung Quốc cũng cố gắng cô lập hoá Việt Nam trong những mối giao thương với những quốc gia khác. Chiến lược này cũng đã được nhà nghiên cứu Vũ Thành Công của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM vạch ra, đó là trong dự án ‘Một vành đai một con đường’, cỗ xe thiết kế từ 3 năm nay để đưa Trung Quốc thành đế chế trên ‘lục địa cũ’, với ‘con đường tơ lụa trên biển’ giúp Trung Quốc kiểm soát tất cả những cảng quan trọng trong vùng Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Khi nghiên cứu kỹ càng bản đồ này thì Ông Vũ Thành Công nhận xét Việt Nam có thể bị gạt ra ngoài và rất khó giao thương qua đường biển với những quốc gia trong vùng.

Với những diễn biến kể trên, nếu Việt Nam muốn giữ được quyền tự chủ kinh tế thì chỉ còn một lối thoát đó là hiệp định thương mại tự do với EU – EVFTA. Thật vậy liên hệ kinh tế với một khối hiện giàu mạnh nhất thế giới sẽ một phần hoá giải những khó khăn do Mỹ gây ra phần khác thăng bằng hoá quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Mặc dù hiệp định EVFTA đã được ký kết, nhưng vì là một hiệp định FTA thế hệ mới, đi xa hơn một hiệp định thuần quan thuế nên phải được sự chấp nhận của quốc hội của từng quốc gia thành viên và sau đó của nghị viện EU. Con đường còn dài và đầy chông gai, cái gai thứ nhất là vấn đề nhân quyền và vừa rồi cái gai thứ nhì đã mọc lên với sự ‘xích mích’ với Chính quyền Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh và Bộ ngoại Giao của chính phủ Đức đã chính thức thông báo tạm đình chỉ hiệp ước đối tác chiến lược với Việt Nam. Với quyết định này, nếu không có sự hoà giải của hai bên thì tất nhiên sẽ đi đến chỗ nước này sẽ bác bỏ hiệp định EVFTA, nhất là với kết quả bầu cử bên Đức vừa rồi, phe dân tuý chính thức xuất hiện trong nghị trường và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến đường lối của thủ tướng Merkel.

Trong hiện tại quan hệ thương mại Việt Đức rất là tốt đẹp, thương mại hai chiều đạt khoảng 10 tỷ USD, và Đức chiếm 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Đức là cửa ngõ trung chuyển hàng hoá sang Châu Âu. Căng thẳng ngoại giao Việt Đức, không những ảnh hưởng đến xuất khẩu nông thủy sản mà còn tác động đến các công xưởng lắp ráp điện tử của nước ngoài hiện có ở Việt Nam, họ sẽ phải tính đường chuyển dịch sang quốc gia khác.

Thực tế mà nói, kinh tế Đức cũng không hề coi nhẹ EVFTA, vì căn bản hiệp định này sẽ không những mở cửa thị trường Việt Nam, mà còn thông qua hiệp định AEC, mở luôn cửa ASEAN. Mặc dù kinh tế Đức hiện phát triển tương đối tốt nhưng cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, như vụ khủng hoảng kỹ nghệ xe hơi với những gian dối về động cơ diesel và những khó khăn với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên vì thể diện quốc gia, Đức đã phải lấy những quyết định trên.

Vì những lý do trên, căn bản hợp tác kinh tế Việt Đức phải được duy trì và Việt Nam sẽ phải cố gắng hàn gắn những sứt mẻ ngoại giao hiện tại.

Kế hoạch B

Nếu những căng thẳng Việt Đức hiện tại không được giải quyết mỹ mãn và tiếp theo đó hiệp định EVFTA không được phê duyệt thì Việt Nam sẽ đứng trước một tình thế rất khó khăn, bị cô lập hoàn toàn trên phương diện kinh tế và mất đi tất cả những thị trường cần thiết cho sự phát triển. Mô hình phát triển dựa trên lao động rẻ tiền sẽ mất hẳn ý nghĩa, và ngay nông nghiệp cũng như công nghệ truyền thống cũng sẽ chỉ sống nhờ trên thị trường nội địa. Cố gắng lắm Việt Nam có thể thoát tình trạng suy thoái kinh tế, nhưng phát triển GDP sẽ ở mức 1 hay 2% năm và nạn thất nghiệp sẽ tràn lan.

Trong tình huống này và nếu Việt Nam không thay đổi sách lược thì kinh tế sẽ hoàn toàn lọt vào tay ông bạn vàng phía Bắc đúng như trong lộ trình Đế chế hoá của Trung Quốc.

Bởi vậy Việt Nam phải cố gắng hàn gắn lại bang giao với Đức thể hiện rõ ràng sự tôn trọng nhân quyền và ráo riết vận động cho sự phê duyệt hiệp định EV-FTA. Nhưng nếu hiệp định này không được thông qua thì không nên sống lại tình trạng ‘bẽ bàng’ khi ông Trump quyết định rút khỏi TPP – mặc dù đã biết từ hồi tranh cử ý định trên của ông Trump. Muốn tránh cảnh ‘ngỡ ngàng’ thì ngay từ bây giờ phải nghĩ đến phương án B, làm gì khi EV-FTA đổ vỡ, làm gì để đối mặt với áp lực đến từ Trung Quốc.

Trong tình thế bị cô lập hoá và nguy cơ bị một đế quốc chi phối hoàn toàn nền kinh tế, thì Việt Nam phải xoay chiều hẳn chính sách hội nhập, đặt lên hàng đầu tiêu chí gìn giữ độc lập và tự chủ trên phương diện kinh tế, không để một Khối, hay một quốc gia chi phối nền kinh tế.

Nói một cách khác, nếu về phương diện chính trị Việt Nam đã thể hiện một phần nào đó lập trường Trung lập, không liên kết, thì với kế hoạch B ta phải áp dụng triệt để lập trường trung lập trên lãnh vực kinh tế.

Hướng đi Trung lập của Thụy Sỹ từ 400 năm nay là hướng đi mà kế hoạch B nên tận dụng, Lập trường chính trị trung lập đã giúp nước này gìn giữ hoà bình và thoát bao cuộc chiến sâu xé Âu Châu và thế giới từ 4 thế kỷ nay. Để bảo tồn độc lập trên phương diện kinh tế, Chính phủ Thụy Sỹ đã hỗ trợ nông nghiệp bản xứ để đảm bảo lương thực cho người dân trong mọi tình huống, cũng trong chiều hướng đó, đảm bảo sự độc lập trong chuỗi cung ứng nhiên liệu với dàn đập thủy điện và lò điện nguyên tử, cũng như đa phương hoá những nước cung cấp dầu khí. Về mô hình phát triển kinh tế Thụy Sỹ đã đổi từ một mô hình công nghiệp sản xuất qua mô hình dịch vụ tránh được những áp lực có thể có trên chuỗi cung ứng nguyên vật liệu. Một số công nghiệp vẫn còn hoạt động nhưng trong những ngành nghề dựa trên nghiên cứu khoa học và trí tuệ, nếu không thì cũng có một thị trường tiêu thụ toàn thế giới. Hội nhập quốc tế của Thụy Sỹ, dựa trên những quan hệ song phương với hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới và Thụy Sỹ không là thành viên của bất cứ một khối nào – ngoại trừ khối AELE, một khối thuần tự do thương mại đang phai nhoà trước sự bành trướng của khối EU. Tuy nhiên vì diễn tiến lịch sử kinh tế Thụy Sỹ trở nên phụ thuộc vào kinh tế EU đó là tình huống mà nước này cũng đang muốn thoát ra.

Kế hoạch B của Việt Nam nhằm phát triển kinh tế với tiêu chí gìn giữ độc lập kinh tế sẽ theo 3 hướng chính.

Thứ nhất sẽ mở thật rộng quan hệ song phương với tất cả các quốc gia trên thế giới thông qua những hiệp định FTA, không gia nhập một khối kinh tế nào – ngoại trừ khối ASEAN, nhưng cũng không để khối này chi phối hoàn toàn kinh tế Việt Nam – với những khối kinh tế hiện có chỉ ký kết những hiệp định song phương và hạn chế giao thương ở một mức độ không chi phối được. Cụ thể, Việt Nam sẽ toàn cầu hoá sản phẩm tiêu thụ của mình, muốn vậy thương hiệu Việt sẽ phải toả khắp 5 châu và Bộ Ngoại giao sẽ giữ vai trò quyết định, các tham tán thương mại sẽ là những chuyên gia tiếp thị, đầu cầu cho các doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường nước ngoài. Kỹ thuật số trong chiến lược phân phối cũng sẽ là công cụ tối quan trọng.

Thứ nhì, để áp dụng triệt để tiêu chí độc lập kinh tế, phải giảm thiểu tới mức không chi phối được, những quan hệ kinh tế thương mạị với những quốc gia và khối kinh tế hiện tại. Như đã nói ở trên quan hệ thương mại, kinh tế với Mỹ sẽ giảm thiểu từ phía Mỹ, khi chính quyền Trump áp dụng triệt để cính sách dân tuý, Về phía Âu Châu, nếu hiệp định EVFTA không thành thì quan hệ kinh tế cũng tự nó giảm sút. Chỉ còn quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc là Việt Nam phải chủ động giảm thiểu. Bước đầu là ngưng hoàn toàn tốc độ gia tăng và bước sau là từ từ giảm thiểu khi đã tìm được phương án thay thế, như vậy để tránh gây ra sự suy thoái của toàn nền kinh tế. 

Cụ thể chính phủ có thể sửa đổi bộ luật cạnh tranh, không những bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng mà còn nghiêm cấm sự chi phối thị trường, không những từ một doanh nghiệp mà cả từ một quốc gia hay khối kinh tế.

Thứ ba, để bảo đảm phát triển kinh tế trong tinh thần độc lập, tự quyết, Việt Nam phải sửa đổi mô hình tăng trưởng, thay vì nhắm vào mục tiêu, công nghệ hoá, hiện đại hoá thì nên đặt mục tiêu trên sự độc lập và tự quyết của nền kinh tế và bảo đảm công ăn việc làm cho mọi người dân. Để đặt được mục tiêu này, Việt Nam phải thay thế mô hình nhân công giá rẻ, bằng mô hình dịch vụ. Như vậy vừa bảo đảm được công ăn việc làm cho người dân vừa ngăn ngừa sự chi phối của một quốc gia khác. Sự chuyển đổi mô hình này dầu sao cũng phải thực hiện, vì với cách mạng công nghệ 4.0, người lao động tay chân sẽ bị thay thế bằng hệ thống tự động hay rô bốt và mô hình lao động rẻ tiền sẽ không còn.

Trên đây kế hoạch B chỉ được phác hoạ qua những nét chính để chính quyền Hà Nội suy ngẫm, việc thực hiện phải qua thiết kế một chương trình hành động chi tiết và cụ thể.

Cũng phải nói, cộng vào những khó khăn nói ở trên Việt Nam còn một loạt những khó khăn khác, như nợ công, ngân sách, nợ xấu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước thiếu quản lý… và áp dụng kế hoạch B trong trường hợp này tất nhiên khó có thể đạt được mức tăng trưởng GDP như đã dự kiến.

Phạm Nam Kim







No comments:

Post a Comment

View My Stats