Monday 4 December 2017

SỰ THỜ Ơ CHÍNH TRỊ CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM (Yến Dương - New Naratif)


Tác giả: Yến Dương  -  New Naratif
Dịch giả: Trúc Lam
04/12/2017

Một tối thứ Năm ẩm ướt, Dương đồng ý tới một quán cà phê ở trung tâm Hà Nội. Đó là một trong những nơi cô thích đi chơi vào những ngày cuối tuần – một trong hàng ngàn quán cà phê mọc lên khắp thủ đô Việt Nam, nơi mà tình trạng thất nghiệp và thiếu không gian công cộng đã tạo ra những cơ hội kinh doanh không ai nghĩ tới. Mặc dù những ngày trong tuần của cô giống như những ngày vô vị và buồn chán (Groundhog Day: Ngày Chuột Chũi). Cô làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều như thường lệ ở một trường đại học danh tiếng, ít thay đổi theo thói quen hàng ngày: đều đặn đi làm, về nhà, nghỉ ngơi, tắm giặt và cứ lặp đi lặp lại như thế.

Sáng sớm hôm đó cô đi thi tuyển để làm công chức. Cuộc thi rất quan trọng: một việc làm ở cơ quan nhà nước, tương tự như một “bát cơm sắt”, một sự hứa hẹn về an toàn công việc trong suốt cả cuộc đời sự nghiệp còn lại của một người. Nhưng dường như Dương không mấy bận tâm vì cô biết mình sẽ vượt qua vòng thi tuyển.

Theo chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính Công năm 2016 khẳng định, chuyện tham nhũng và gia đình trị trong lĩnh vực công ở Việt Nam là “một vấn đề có hệ thống”; các mối quan hệ cá nhân và hối lộ là điều cốt yếu cho những ai muốn theo đuổi nghề nghiệp ở các cơ quan nhà nước.

Những kỳ thi tuyển công chức như vậy được xem như là thủ tục, hơn là một sự thách thức đối với những người Việt trẻ như Dương. Sự giàu có, đỗ đạt cao, các mối quan hệ và nghề nghiệp ổn định: đây là những điều mà đa số tầng lớp trung lưu mới ở Việt Nam đã xác định, Dương được sinh ra trong một gia đình có đặc quyền như thế nên cô có tất cả. Cô quyết định trở thành một công chức cũng giống như lý do cô làm việc ở trường đại học: cô không thể nghĩ đến các lựa chọn nào khác dễ hơn, nhanh hơn hay tốt hơn.

Đặc quyền này có thể dễ dàng sinh ra sự thờ ơ. Dương nói: “Khi mọi thứ đã được bày sẵn cho bạn, bạn thực sự không phải nghĩ gì về tương lai, vì lúc nào cũng sẽ giống như vậy thôi”.

Sự thờ ơ là một căn bệnh

Theo ước tính của Liên Hiệp quốc, năm 2015 một nửa dân số Việt Nam dưới 30 tuổi, nghĩa là thế hệ Y [thế hệ 8x, 9x] có tiềm năng trở thành một lực lượng đáng kể cho sự thay đổi đất nước. Một tổ chức thanh niên lớn nhất nước là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tích cực tiếp cận các thanh niên Việt Nam để tuyên truyền thông điệp của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Nhưng các lãnh đạo đoàn thanh niên đang ngày càng khó khăn hơn để kết nối với một thế hệ thoải mái với internet, Facebook và điện thoại thông minh – cùng tất cả những trò giải trí quanh họ.

Các chuyên gia nói rằng, các chiến dịch để tuyển thanh niên vào các hoạt động cộng đồng có xu hướng quá cứng nhắc cho sự hứa hẹn hay một động cơ. Bất kể nhiều nỗ lực khác nhau nhằm huy động họ, nhưng thế hệ Y ở Việt Nam hình như vẫn thờ ơ với chính trị.

Năm 2015, tổ chức Hướng tới Minh Bạch (Towards Transparency) – một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận và liên lạc chính thức của đất nước với Tổ chức xã hội dân sự toàn cầu Minh bạch Quốc tế (Transparency International) – đã phỏng vấn 1.110 người Việt Nam từ 15 đến 30 tuổi, cho cuộc Điều tra về sự liêm chính của Thanh niên Việt Nam. Họ nhận thấy rằng, 74% số người được hỏi có rất ít hoặc không có thông tin gì về các sáng kiến ​​chống tham nhũng, 45% thanh thiếu niên có học thức cho rằng, báo cáo hành vi tham nhũng là vô ích. Đây là những phát hiện đáng lo ngại, đặc biệt là xếp hạng Việt Nam khá thấp trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2016 của Tổ chức Minh bạch Thế giới.

Sự thờ ơ và chẳng cần biết này vượt lên trên vấn đề tham nhũng: nghiên cứu cho thấy, giới trẻ trung lưu Việt Nam thể hiện sự quan tâm đến tiêu dùng, hoạt động giải trí, duy trì và đạt được vị thế xã hội, có ý nghĩa với họ hơn là chính trị.

Điều này đã được giải thích trong bài báo “Giới Thanh niên Trung lưu có nghề nghiệp, thời hậu cải cách ở Việt Nam: Đồng nhất, liên tục và thay đổi” như là kết quả của sự tập hợp giữa mối quan hệ của tầng lớp trung lưu với nhà nước và chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Giới trung lưu Việt Nam, những người có được cuộc sống khá giả sau những cải cách kinh tế từ giữa thập niên 1980, qua nhiều điều, giống với tầng lớp trung lưu ở nhiều nước khác, đặc biệt là trong các lĩnh vực như định hướng tiêu dùng và chứa đựng những khát vọng cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp, nhưng cũng có những mối quan hệ chặt chẽ với nhà nước Việt Nam. Với đặc quyền và những lợi thế vật chất, có quan hệ với hiện trạng chính trị, giới trẻ trung lưu Việt Nam có khuynh hướng biểu lộ những đặc điểm của thanh thiếu niên trung lưu khác mà không có ý thức chính trị phù hợp hoặc sự tham gia.

Ảnh: Thanh niên Việt Nam la cà bên ngoài vào buổi tối. Nguồn: Yến Dương

Dương thừa nhận rằng cô không có ý kiến về cơ cấu chính trị ở Việt Nam, cũng như về bất kỳ nhà lãnh đạo nào của đất nước này. Đối với cô, bỏ phiếu cho các hội đồng nhân dân địa phương, chẳng khác nào việc thực hành sự lựa chọn ngẫu nhiên giữa một khuôn mặt không quen thuộc với một khuôn mặt khác.

     “Một khi bạn có đặc quyền không cần lo nghĩ, bạn cũng không cần phải suy nghĩ”

Cô cũng nói rằng mình không quan tâm đến tham nhũng tràn lan, tranh chấp đất đai ở địa phương, các sự kiện quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương gần đây, hoặc thậm chí các vấn đề quốc tế như là nhiệm kỳ của tổng thống phân cực Donald Trump (cô có nghe tên ông nhưng không biết những gì mà ông ta đang làm).

Cô hỏi: “Tại sao tôi phải bận tâm? Một khi bạn có đặc quyền không phải suy nghĩ, bạn không cần phải [suy nghĩ]”.

Không chỉ mình cô, Dương nói rằng các đồng nghiệp của cô tại trường đại học – nhiều người đang được đào tạo để trở thành giáo sư chính quy – đều giống nhau. “Chúng tôi để ý các tin hàng đầu nếu chúng xuất hiện trên Facebook hoặc trên trang tin tức, nhưng chúng đơn giản chỉ là những chủ đề mang ra tán gẫu tại nơi làm việc. Những vấn đề đó nhanh chóng biến mất khi có cái gì đó khác thay vào để nói …  Hơn nữa, còn nhiều chuyện khác làm xao lãng mấy tin kia”.

Phản đối qua Facebook

Hoàng Đức Minh khi mới 18 tuổi, anh đã làm giám đốc chương trình của đề án nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu. Sau đó, anh thành lập trang Wake it Up (Đánh thức nó dậy), một khởi động nhắm tới việc làm cho nó có khả năng xảy ra, thông qua các hoạt động xã hội. Gần đây Minh đã tham gia vào chiến dịch giúp bảo vệ 6.700 cây xanh ở Hà Nội bằng cách vận động hàng trăm người xuống đường biểu tình.

Minh nói: “Tham gia các hoạt động xã hội không chỉ là mối quan tâm, mà còn là cơ hội để tôi phát triển các kỹ năng cá nhân của mình. Điều quan trọng là tìm ra những tiếng nói đủ mạnh để bắt đầu cùng nhau làm việc”.

Sự giận dữ của công chúng và phong trào bảo vệ 6.700 cây xanh này đánh dấu một bước thay đổi đáng kể trong việc tham gia của người dân Việt Nam, cho thấy rõ khả năng tác động của việc huy động quần chúng thông qua mạng xã hội.

Giống như nhiều nước khác, các diễn đàn mạng xã hội như Facebook đã thu hút được sự chú ý ở Việt Nam như là nguồn thông tin chính của thế hệ Y. Theo Reuters, có 52 triệu tài khoản Việt Nam đang hoạt động, nằm trong top ten, mười nước đứng đầu về số người sử dụng Facebook. Sự phổ biến của mạng xã hội chứng tỏ nó trở thành công cụ góp phần chính trong sự thay đổi xã hội mà Bộ Thông tin và Truyền thông đầu năm nay đã yêu cầu Facebook, Google và YouTube xóa và chặn nội dung được nhà nước cho là “độc hại”. Google đã tuân theo phần nào, đồng ý chặn 1.500 trong số hơn 2.000 video trên YouTube mà chính phủ muốn xóa.

Tương tự như Wake it Up, nhiều sáng kiến ​​xã hội bắt đầu từ các tổ chức phi chính phủ như Live and Learn, ISEE và Viet Pride đã vươn tới thế hệ Y qua Facebook. Sự phát triển của các mạng xã hội đã cung cấp một diễn đàn cho thanh thiếu niên với mong muốn được lắng nghe, lấp đầy khoảng trống do thiếu những không gian được thừa nhận chính thức.

Các phản hồi cũng khác nhau dựa trên nguyên nhân. Như vấn đề môi trường và bình đẳng giới LGBTQ (đồng tính, song tính, chuyển giới), đã có được sức hút ở Việt Nam. Các vấn đề khác như – tham nhũng, giới tính, quyền của các dân tộc thiểu số, quyền tự do ngôn luận – vẫn chưa nhận được nhiều sự chú ý; một dấu hiệu cho thấy một số vấn đề được coi là chính trị, và do đó, nhạy cảm hơn so với những vấn đề khác. Tuy nhiên, rủi ro của hoạt động xã hội trên mạng, thậm chí đối với những nguyên nhân “hấp dẫn” hơn, là sự nuôi dưỡng vô ý của “sự tích cực tham gia một cách lười biếng” (ND: như ký thỉnh nguyện thư trên mạng, bấm like trên Facebook…), làm giảm các hoạt động chính trị và xã hội đối với các sự kiện truyền thông mạng.

Cô Bùi Trà My là một giáo viên trẻ dạy văn hoá và truyền thông ở Trường Olympia Hà Nội, đã viết một số bài nghiên cứu về sự tham gia của thanh niên trên mạng xã hội. Cô tin rằng các mạng xã hội đã thay đổi cách nghĩ của những người trẻ về sự tham gia; hoạt động trực tuyến có thể bị nhầm lẫn với hoạt động thực sự. Cô nói: “Bạn có thể ký thỉnh nguyện thư trên mạng petitiononline.com và yên chí rằng bạn đã hoàn thành nghĩa vụ công dân. Nó cũng quá dễ dàng, chỉ cần nhấp chuột, gia nhập nhóm và kết nối Facebook”.

Cô nói thêm: “Nhưng sự quan tâm đến các vấn đề chính trị và xã hội không phải là trách nhiệm, mà nó là một nhu cầu. Và các hành động chỉ diễn ra khi người ta nhận thức được rằng các vấn đề đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến họ”.

Một thế hệ bị kẹt trong sự quá độ

Có nhiều lý do khiến thanh niên Việt Nam không tham gia chính trị. Tri Phương là một nhà nghiên cứu của Đại học Yale, từng nghiên cứu về văn hóa thanh thiếu niên và sự tham gia của giới trẻ vào mạng xã hội ở Việt Nam. Ông nói rằng, hệ thống giáo dục hiện nay đã không đáp ứng được nhu cầu của thanh niên muốn thể hiện chính mình, hoặc khuyến khích họ tham gia tích cực vào các hoạt động công dân. Trong khi đó, họ có thể nhận thức được các vấn đề của xã hội, nhiều người thiếu động lực để tìm kiếm các giải pháp vì họ cảm thấy mình bị loại ra khỏi quá trình ra quyết định.

“Thanh niên Việt Nam không tham gia chính trị, đơn giản bởi vì nó không có ý nghĩa đối với cuộc sống của họ”.

Ông nói: “Những người trẻ tuổi đứng lên khi cảm thấy quyền của mình bị phủ nhận. Điều này rõ ràng đã xảy ra ở một số nơi trên thế giới, chẳng hạn như Phong trào Chiếm đóng (Occupy Movement) hoặc Mùa Xuân Ả Rập. Nhưng trong những bối cảnh đó, đã xảy ra đàn áp dữ dội hoặc những người trẻ tuổi cảm thấy bị tước quyền bỏ phiếu từ thể chế xã hội. Họ bắt đầu làm chính trị vì họ cảm thấy tức giận và họ không còn lựa chọn nào khác”.

Ông nói thêm: “Ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng chừng nào những người trẻ tuổi còn có các lựa chọn khác để không quan tâm tới, [nếu không thì] nó cho phép sự thỏa mãn về tham gia chính trị. Thanh niên Việt Nam không tham gia chính trị, đơn giản là vì nó không có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của họ”.

Dương, Minh và Mỹ ở cùng độ tuổi, có những đặc điểm chung là cả ba đều trẻ, sống ở thành thị và có giáo dục. Nhưng họ có những quan điểm khác nhau đối với xã hội, chứng tỏ có nhiều sự phức tạp trong tầng lớp trung lưu mới ở Việt Nam.

Mỹ nói: “Tôi sinh ra trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế, chứng kiến ​​những thăng trầm của tổ chức xã hội, sự tái phát minh của nhiều giá trị và ảnh hưởng của nhiều luồng văn hoá vào thế hệ của tôi. Bị mắc kẹt trong những thay đổi như vậy, khiến tôi cảm thấy bị thôi thúc để biết nhiều hơn, và để nghiên cứu phát triển xã hội”.

Minh là nhà hoạt động chính trị, anh lạc quan về sự đóng góp của thế hệ mình đối với xã hội. Anh nói: “Hơn bảy năm qua, đã có những thay đổi lớn trong giới trẻ. Tôi vẫn nghĩ rằng thanh thiếu niên thành thị đóng vai trò cơ bản trong hoạt động xã hội ở Việt Nam. Trong bối cảnh như đất nước ta, khi bạn xem xét chất lượng giáo dục, cũng như các điều kiện chính trị hoặc kinh tế, cũng không khó để hiểu tại sao những người trẻ tuổi lại dành ít thời gian hơn cho các vấn đề xã hội và dành nhiều thời gian hơn cho những trò tiêu khiển khác”.

Anh nói thêm: “Công việc của các nhà hoạt động xã hội có thể so sánh với công việc của một nhân viên bán hàng. Bạn cần có khả năng để bán [nguyên nhân của bạn] để mọi người cảm thấy có hứng thú để hoàn thành trách nhiệm dân sự. Bạn không thể mong đợi xã hội tự nó trở nên tốt đẹp hơn, hoặc để cho những người trẻ tuổi năng động hơn”.

Trở lại quán cà phê, Dương nói rằng cô chưa bao giờ nghe nói về phong trào bảo vệ 6.700 cây xanh, hoặc bất cứ hoạt động xã hội nào tương tự. “Tôi thực sự không tin tưởng vào hoạt động trên Facebook vì có rất nhiều sự kiện giả mạo được tạo ra như clickbait”. (Mồi nhử nhấp chuột, gây sự chú ý của độc giả khi bấm vào link: ND).

Cô ấy lặng thinh khi được hỏi về công việc mơ ước của mình. Cô nói: “Tôi cảm thấy bất an với mọi thứ. Đã có những lúc tôi nghĩ đến chuyện thôi việc vì tôi đang là một cô giáo, điều đó sẽ ảnh hưởng đến học sinh của tôi. Nhưng tôi đã phụ thuộc vào sự che chở quá mức của cha mẹ mình và tôi nghĩ rằng mình không đủ can đảm để thay đổi”.

____

Tác giả: Dương Yến là một nhà báo và viết phóng sự ở Hà Nội, Việt Nam. Cô tốt nghiệp Thạc Sĩ về Truyền thông tại Đại học Vaasa (Phần Lan), cô viết về hiện thực của văn hóa đương đại. Đọc thêm các bài viết của cô tại: duoyen.com, liên hệ với cô tại 

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt




 




No comments:

Post a Comment

View My Stats