Tuesday 20 February 2018

CON TRAI MỤC SƯ TÔN 'NÓI THAY CHA' TẠI THƯỢNG ĐỈNH NHÂN QUYỀN Ở GENEVA (tin tổng hợp)




21/02/2018

Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con trai của Mục sư đang bị giam cầm Nguyễn Trung Tôn, là một trong 22 đại diện được chọn để kể câu chuyện về nhân quyền trên thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh Nhân quyền và Dân Chủ ở Geneva vào ngày 20/2, ngay trước thềm phiên họp thường niên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Nguyễn Trung Trọng Nghĩa tại hội nghị về nhân quyền ở Geneva ngày 20/2/2018.

Thông tin cho VOA từ Geneva, Trọng Nghĩa cho biết: 

“Hội nghị thượng đỉnh này là để cho các cá nhân, tổ chức là những người đang bị bức hại tại nhiều nước khác nhau có cơ hội để giải trình trước các nhà ngoại giao ở các nước có dân chủ, tự do, để họ biết thêm thông tin và những câu chuyện nhỏ từ rất nhiều người để đem đến cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.

Trọng Nghĩa được biết tiếng gần đây qua các đoạn video blog ngắn, nói lên cái nhìn của một người trẻ về những vấn đề thời sự của đất nước. Nhưng câu chuyện cá nhân mà Vblogger 22 tuổi này đem đến hội nghị ở Geneva đã khiến nhiều cử tọa ngạc nhiên và bất ngờ vì tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

“Đó là một đêm định mệnh, 30/4/2003, khi làng xóm quê em hơn 100 người bị công an xúi giục vào nhà em cắt dây điện. Họ ném đá vào nhà, không cần biết có con nít người lớn gì cả. Họ cứ thế chọi đá vào. Sau đó, họ vào đánh em và ba em. Họ kéo ba em xuống ao và cố dìm ba em xuống. Sau đó, họ kéo ba em vào. Lúc này, thân thể ba em đã tan nát và đã bị chìm dưới nước một lúc nên chỉ còn nửa phần mạng thôi. Họ đem ba em vào phòng khách và tiếp tục đánh ba em, đánh đến nỗi em lúc đó mới 10 tuổi đi vô mà không nhìn ra ba mình nữa. Mặt ông toàn máu, nước mắt chảy đầm đìa. Họ bắt ba em quỳ xuống xin lỗi họ. Họ nói nếu ba em không quỳ xuống xin lỗi và chối bỏ Chúa, bỏ đạo, thì họ sẽ giết ba em trong đêm đó. Khoảnh khắc đó em cảm giác như mọi thứ trên đời này, trời đất, mọi chuyện dường như dừng lại trong lòng em. Rồi em nghe ba nói một câu rất thấm thía. Trong giờ phút khổ đau như vậy, ba em thẳng thắn nói rằng ‘Tôi sẽ không bao giờ quỳ lạy bất kỳ người nào trên đời này và tôi sẽ không bao giờ chối bỏ Chúa của tôi’. Và họ tiếp tục lao vào đánh ba em…”

Đại diện từ các nước đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Nhân quyền ở Geneva ngày 20/2/2018.

Hội nghị thượng đỉnh về nhân quyền và dân chủ tại Geneva do liên minh gồm 25 tổ chức phi chính phủ về nhân quyền trên khắp thế giới tài trợ.

Hội nghị thượng đỉnh về nhân quyền năm nay quy tụ 22 nhà hoạt động, bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có người bán sách Hồng Kông Lam Wing-kee từng bị Trung Quốc bắt cóc, cựu tù nhân sống sót sau thảm sát Thiên An Môn Trung Quốc Yang Jianli, cựu tù nhân Mỹ bị giam giữ lâu năm nhất ở Triều Tiên Kenneth Bae, ông bà Fred và Cindy Warmbier-bố mẹ của sinh viên Mỹ Otto Warmbier đã tử vong sau khi được trả về từ Triều Tiên…

Là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự hội nghị lần này, Nguyễn Trung Trọng Nghĩa hy vọng câu chuyện của gia đình mình sẽ được đem ra chất vấn trong phiên họp thường niên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam sẽ tham dự và có trách nhiệm trả lời.

“Hy vọng những thông điệp của em gửi lên các chính sách quốc tế và các cá nhân sẽ dựa vào đó để giúp đòi tự do cho ba em. Còn nếu sự tự do cho ba em là một điều quá xa xỉ thì hy vọng họ sẽ có câu chuyện để làm áp lực Việt Nam dừng tra tấn, bắt bớ những tù nhân lương tâm mới”, Vblogger có tên “Effy Nguyen” nói.

Cha Nghĩa, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, là Chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam. Ông từng bị kết án 2 năm tù theo Điều 88 về Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam năm 2011. Trong thời gian bị quản chế sau khi ra tù, tháng 7/2017, Mục sư Tôn lại bị bắt với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79.

Trung Nghĩa cho biết hiện Mục sư Tôn đang bị giam giữ tại trại giam B14. Sức khỏe và tinh thần của ông đều ổn và sẵn sàng tham dự phiên tòa sắp tới (chưa được ấn định ngày).
Trong Phúc trình Toàn cầu 2018 công bố vào tháng trước, tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (HRW) nói Việt Nam trong năm 2017 đã “gia tăng đáng kể việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền”.

Phúc trình này cho biết có ít nhất 24 người bị kết án vì viết bài và vận động cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm), bà Trần Thị Nga, sinh viên Phan Kim Khánh, blogger Nguyễn Văn Hóa.. và ít nhất 28 người bị công an bắt với cáo buộc tội danh về “an ninh quốc gia” như các ông Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội…


-----------------------------------

February 20, 2018

GENEVA, Thụy Sĩ (NV) – “Con ơi, đừng lo lắng khi quay trở về và đừng tìm gặp bố, cứ tiếp tục công việc đấu tranh cho tự do cho Việt Nam.”
Nguyễn Trọng Trung Nghĩa, 22 tuổi, thuật lại lời của người cha nói với anh, khi anh phát biểu trong Hội Nghị Thượng Đỉnh về Nhân Quyền và Dân Chủ ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 20 Tháng Hai, 2018, trước khi có cuộc họp kiểm điểm tình hình nhân quyền thế giới của tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Nguyễn Trọng Trung Nghĩa, con trai Mục Sư Nguyễn Trung Tôn phát biểu tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Nhân Quyền và Dân Chủ tại Geneva ngày 20 Tháng Hai, 2018. (Hình: Human Rights and Democracy)

Cha anh là Mục Sư Nguyễn Trung Tôn hiện đang bị nhà cầm quyền của Việt Nam giam giữ vì bị vu cho tội “Âm mưu lật đổ” chế độ độc tài đảng trị ngày càng siết chặt hơn các quyền tự do của công dân dù bản Hiến Pháp công nhận có tất cả. Tất cả những ai không tự nguyện ngoan ngoãn vâng lệnh nhà cầm quyền đều bị trừng trị nặng nề.

Hội Nghị Thượng Đỉnh về Nhân Quyền và Dân Chủ năm nay quy tụ 25 tổ chức vận động nhân quyền trên thế giới, hình thành từ năm 2009, hàng năm vẫn tổ chức hội nghị để các nhân chứng, các tổ chức vận động, cổ võ nhân quyền trình bày sự thật về tình trạng nhân quyền tại các nước trên thế giới, nhất là tại các nước độc tài, đảng trị, quân phiệt hay tôn giáo cuồng tín.

Đại diện cho nạn nhân của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam là Nguyễn Trọng Trung Nghĩa kể về những gì người cha của anh, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, đã phải trải qua. Có lúc Mục Sư Tôn tưởng đã không qua khỏi cái chết sau khi bị bắt cóc, đánh đập dã man và làm nhục rồi vất ở nơi hoang vắng vì ông không cúi đầu trước cường quyền bạo lực. Ông tin vào Thượng Đế, ông tin vào nhân quyền, dân chủ thật sự.

“Vào buổi chiều ngày 27 Tháng Hai, 2017 bố tôi bị một nhóm tám người bắt cóc trong lúc trên đường đến giáo xứ Cồn Sẻ, nơi có nhiều nạn nhân bị mất đất cần được sự giúp đỡ của tổ chức ông. Nhóm người này lột quần áo và lấy các vật tùy thân của ông ra, trùm đầu và trói ông lại trong xe van và lấy thanh sắt hành hung ông liên tục. Sau ba tiếng đồng hồ đánh đập ông, họ quăng ông xuống một bìa rừng xa xăm trong tình trạng trần truồng, bị trói, bị thương tích nằm chờ chết. May mắn thay được người địa phương cứu giúp, bố tôi tìm đường thoát chết lần đó,” Nguyễn Trọng Trung Nghĩa kể tại hội nghị.

Anh kể tiếp rằng: “Ông sống sót nhưng bị tổn thương nặng nề. Năm tháng sau vụ bắt cóc đó, đầu gối vẫn còn bị thương tích và bị khó thở, bố tôi khóc với tôi ‘đau quá, đau quá con ơi.’ Thật vậy sức khoẻ của ông suy sụp nặng đến độ ông cảm thấy như gần chết. Ông nhắn với tôi, ‘Con ơi, đừng lo lắng khi quay trở về và đừng tìm gặp bố, cứ tiếp tục công việc đấu tranh cho tự do cho Việt Nam.’ Đây là lời nhắn nhủ cuối cùng từ bố tôi trước khi ông bị bắt trở lại vào ngày 30 Tháng Bảy, 2017, về tội cáo buộc ‘Âm mưu lật đổ nhà nước.’ Chỉ có năm tháng sau vụ bắt cóc.”

Là thành viên điều hành của tổ chức “Hội Anh Em Dân Chủ” Mục Sư Nguyễn Trung Tôn cùng các thành viên chủ chốt khác của tổ chức đều bị chế độ Hà Nội tống giam vì đều bị vu cho tội “Âm mưu lật đổ” mà bản án có thể lên đến tử hình. Ngoài Mục Sư Tôn, Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển và một số người nữa đều bị vu cho cùng tội danh. Riêng Luật Sư Đài đã bị bắt từ ngày 16 Tháng Mười Hai, 2015, đến nay đã hơn hai năm vẫn chưa biết số phận ra sao.

Theo lời anh Nguyễn Trọng Trung Nghĩa, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn từng được đề nghị đi Mỹ định cư tị nạn để ông và gia đình ông thoát khỏi sự đàn áp bạo ngược của nhà cầm quyền nhưng ông đã khẳng khái từ chối.

“Vào năm 2006, khi hội thánh của ông bị đàn áp nặng nề, bị nhiều áp lực và đe dọa bị giết, khi được đề nghị đi tị nạn tại Hoa Kỳ, ông suy nghĩ trong giây lát và trả lời: ‘Tôi không thể bỏ rơi hội thánh và tín hữu của tôi bây giờ. Nếu tôi đi thì ai sẽ dẫn dắt và bảo vệ họ,’” anh Nguyễn Trọng Trung Nghĩa kể.

Không phải một lần mà rất nhiều lần, công an CSVN đã hành hung ông, áp lực ông phải bỏ niềm tin tôn giáo và từ bỏ đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ.

“…hàng trăm người xông vào nhà chúng tôi ban đêm, bủa vây ông và buộc ông quỳ xuống và chối bỏ Thượng Đế nếu không sẽ đối diện với tử thần; ông bảo rằng ‘Tôi sẽ không quỳ trước bất cứ ai khác, và tôi sẽ không bao giờ từ bỏ niềm tin vào Thượng Đế.’”

Tại hội nghị, anh Nguyễn Trọng Trung Nghĩa phát biểu rằng: “Cuộc tranh đấu cho nhân quyền là một cuộc tranh đấu có chính nghĩa.” (TN)






No comments:

Post a Comment

View My Stats